Để hiểu rõ vấn đề của chính website mình, bạn hãy kiểm chứng qua các kịch bản sau đây:
- Thử tưởng tượng bạn bước vào một cửa hàng và không thấy bất kỳ một nhân viên nào ở đấy. Để yêu cầu sự hỗ trợ, bạn phải chủ động đi tìm họ. Cảm giác của bạn thế nào? Câu chuyện tương tự với trải nghiệm của khách truy cập trên website của bạn, nhất là khi kênh hỗ trợ với số hotline thì luôn quá tải với tình trạng bận hoặc chờ, còn email thì xử lý quá chậm.
- Tiếp theo, bạn bước vào một cửa hàng, nhìn ngó xung quanh và bạn nhìn thấy các tư vấn viên luôn ở trạng thái sẵn sàng hỗ trợ, việc của bạn chỉ đơn giản là hỏi họ khi cần. Tương tự, đó là cách mà website của bạn phản hồi khi có yêu cầu chat từ khách hàng. Sẽ có một nhóm khách hàng yêu cầu sự hỗ trợ và tương tác với bạn qua chat, phần còn lại đơn giản là họ sẽ thoát ra.
- Bây giờ, nếu bạn bước vào một cửa hàng, bạn nhìn lướt qua nhưng không tìm thấy thứ mình cần, bạn toan bước đi để tìm một cửa hàng khác. Ngay lập tức một chuyên viên tư vấn xuất hiện để hỗ trợ bạn. Các thắc mắc của bạn đều được giải quyết, bạn mua được món hàng mình cần và cảm thấy rất hài lòng. Vậy đó là cách mà chat chủ động hoạt động trên website của bạn.
Chat phản hồi và chat chủ động
Chat hỗ trợ khách hàng là việc bạn thụ động tiếp nhận yêu cầu chat từ khách hàng và phản hồi lại. Hình thức này được áp dụng phổ biến và quen thuộc tại các website đã sử dụng live chat. Và nó khá hiệu quả khi chat được sử dụng cho các dịch vụ tư vấn, giải đáp thắc mắc cho khách hàng cần sự hỗ trợ. Vậy còn những khách hàng có khả năng sẽ im lặng và rời khỏi website của bạn thì sao?
Đó là phần việc mà chat chủ động sẽ đảm nhiệm. Chat chủ động yêu cầu nhiều phân tích và đánh giá để thực hiện, và giá trị mà nó mang lại trong việc bán hàng hoặc nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng (leads) là rất lớn. Chat chủ động giúp bạn thu hút và dẫn dắt khách hàng trước khi họ rời khỏi website và tìm đến một nhà cung cấp khác.
Những việc này đều có thể thực hiện tự động qua việc thiết lập những điều kiện mời chat (auto invite) thông qua tính năng trigger. Hoặc bạn cũng có thể theo dõi các hoạt động của khách truy cập trong thời gian thực trên dashboard để quyết định tương tác với họ hay không. Toàn bộ quá trình có thể hoàn toàn tùy chỉnh để bạn đạt kết quả tốt nhất. Tất nhiên, nếu thực hiện sai bạn có thể làm phiền khách hàng. Ngược lại, nếu bạn gửi những lời mời chat đúng đối tượng, đúng thời điểm và nội dung phù hợp thì điều này mang lại lợi ích rất lớn.
Kết luận
Theo một nghiên cứu, khách truy cập được mời chat có tỷ lệ mua hàng gấp 6,3 lần so với những người không được mời chat. Trong đó, 61% chuyển đổi thành khách hàng ngay lần chat đầu tiên. Những con số này đã chứng minh được giá trị mà những cuộc chat chủ động được thiết lập đúng thời điểm, đúng đối tượng và đúng thông điệp mang lại cho doanh nghiệp. Còn bạn thì sao? Bạn đã áp dụng thành công chiến thuật “chat chủ động” cho doanh nghiệp của mình chưa?